​Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Ru-ma-ni Agerpres.​

​Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Ru-ma-ni Agerpres.​

PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO PHẠM GIA KHIÊM TRẢ LỜI PHỎNG VẤN THÔNG TẤN XÃ RU-MA-NI AGERPRES nhân dịp thăm chính thức Ru-ma-ni từ 23-25/6/2009.

Câu hỏi 1: Tháng 2/2010, Việt Nam và Ru-ma-ni sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ru-ma-ni và CHXHCN Việt Nam và 55 năm thành lập cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước tại Hà Nội và Bucharest. Xin Ngài nhận xét về những phát triển trong quan hệ Việt Nam-Ru-ma-ni trong suốt thời gian đó?

Trả lời:

Việt Nam và Ru-ma-ni có quan hệ hữu nghị truyền thống trong suốt 60 năm qua. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn mà Chính phủ và nhân dân Ru-ma-ni đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Ngày nay, mối quan hệ truyền thống đó vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội ở mỗi nước.

Quan hệ chính trị tin cậy và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố. Hai bên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc ở cấp cao, tăng cường trao đổi đoàn ở cấp Bộ, ngành, thể hiện sự đa dạng quan hệ hợp tác song phương tạo cơ sở chính trị thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại hiệu quả giữa Việt Nam và Ru-ma-ni. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ru-ma-ni I-on I-li-ét-xcu (16-18/02/2002) và chuyến thăm Ru-ma-ni của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (16-17/10/2003) là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo ra động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai nước.

Quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Ru-ma-ni đã có những bước tiến đáng kể. Kim ngạch thương mại hai nước tăng từ 20 triệu USD năm 2002 lên trên 90 triệu USD năm 2008. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu và tiềm năng của hai nước.

Quan hệ văn hoá, giáo dục đào tạo, lao động giữa hai nước cũng đang phát triển tốt đẹp, mang lại hiệu quả thiết thực.

Việt Nam và Ru-ma-ni đã và đang ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.

Câu hỏi 2: Theo Hiệp định về thương mại và thanh toán giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Ru-ma-ni được ký ngày 4/12/1991, hoạt động trao đổi kinh tế-thương mại giữa hai nước đã được thực hiện từ trước khi Ru-ma-ni gia nhập Liên minh châu Âu. Hiệp định này sẽ được thay thế bằng một hiệp định hợp tác kinh tế. Công tác đàm phán để tiến tới ký kết hiệp định này đã đi tới đâu và theo Ngài, khi nào hiệp định sẽ được hoàn thiện và ký kết?

Trả lời:

Kể từ khi Ru-ma-ni gia nhập Liên minh châu Âu (EU), hai nước đã nhất trí chấm dứt hiệu lực của Hiệp định Thương mại và Thanh toán giữa Chính phủ Ru-ma-ni và Chính phủ CHXHCN Việt Nam ký năm 1991.

Trên cơ sở  quan hệ truyền thống tốt đẹp, Việt Nam và Ru-ma-ni đã khởi động đàm phán về Hiệp định Hợp tác kinh tế mới giữa hai nước từ tháng 2/2006 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ kinh tế song phương.

Hai bên đã hoàn tất đàm phán và sẽ chính thức ký Hiệp định Hợp tác kinh tế tại Bucaret trong tháng 6 này. Có thể nói đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

​Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Ru-ma-ni Agerpres

​Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Ru-ma-ni Agerpres

Câu hỏi 3:  Thương mại hai chiều giữa Ru-ma-ni và Việt Nam ở mức 78,87 triệu đô la tính đến cuối năm 2008, so với mức 43,86 triệu đô la năm 2007. Ngài có nhận xét như thế nào về sự tăng trưởng này và Ngài dự đoán thương mại song phương sẽ tiến triển ra sao năm 2009?

Trả lời:

Việt Nam và Ru-ma-ni có quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại truyền thống. Tuy nhiên, trao đổi thương mại song phương hiện nay còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam và Ru-ma-ni.

Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa hai nước có những bước chuyển biến mạnh. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Namvào Ru-ma-ni đã tăng 200% so với năm 2005. Năm 2008 xuất khẩu Việt Nam vào Ru-ma-ni đạt 77,6 triệu USD (tăng 140,9% so với năm 2007). Ru-ma-ni xuất khẩu vào Việt Nam năm 2008 đạt 12,72 triệu USD (tăng 41,33% so với năm 2007).

Dự kiến trao đổi hàng hóa năm 2009 sẽ thấp hơn năm 2008 do cả hai nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với nỗ lực của cả hai bên, tôi tin tưởng thương mại song phương sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Câu hỏi 4:  Ru-ma-ni và Việt Nam hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Xin Ngài cho biết Việt Namdự định làm gì nhằm củng cố hợp tác trong thời gian tới?

Trả lời:

Chúng tôi luôn đánh giá cao và trân trọng sự giúp đỡ củaRu-ma-ni dành cho Việt Nam trong việc đào tạo hơn 3000 cán bộ có trình độ chuyên môn cao. Đội ngũ cán bộ này đã và đang góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, trong đó nhiều người giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam rất quan tâm tới việc đào tạo cán bộ có trình độ cao để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Trong lĩnh vực văn hoá, Đại sứ quán Việt Nam tại Ru-ma-ni và Đại sứ quán Ru-ma-ni tại Hà Nội phối hợp với các cơ quan hữu quan của hai nước thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người như tổ chức Tuần phim Việt Nam tại Ru-ma-ni, Tuần phim Ru-ma-ni tại Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật…

Để thúc đẩy hợp tác thiết thực và hiệu quả, hiện hai bên đang đàm phán để đi đến ký kết Chương trình thực hiện Hiệp định hợp tác văn hóa, khoa học, giáo dục và thể thao giai đoạn 2009-2012.

Câu hỏi 5: Xin Ngài cho biết suy nghĩ của mình về tương lai quan hệ Việt Nam-Ru-ma-ni và thông điệp Ngài chuẩn bị mang đến Bucharest?

Trả lời:

Trách nhiệm của chúng ta hiện nay là phải duy trì và phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp hơn nửa thế kỷ qua, tiếp tục xây dựng mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển của mỗi nước.

Hy vọng rằng, hai nước tiếp tục ủng hộ nhau và phối hợp tích cực trên các diễn đàn quốc tế vì lợi ích của hai nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.

Thông điệp mà tôi mang theo trong chuyến thăm Ru-ma-ni lần này là Việt Nam coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp với Ru-ma-ni, đưa quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới, hiệu quả hơn, thiết thực hơn.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!